Đến khi nhiều tòa soạn báo chí Việt Nam nhận ra không thể không chuyển đổi số để tồn tại và phát triển thì đã khá chậm chân rồi. Bởi lẽ phần lớn bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ đã di chuyển hết lên mạng.

Chậm nhưng vẫn còn kịp nếu các báo (kể cả phát thanh, truyền hình) bắt tay thực hiện ngay chương trình chuyển đổi số một cách bài bản, thiết thực. Trước hết là xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi số khả thi trong phạm vi từng cơ quan báo chí.
Kế hoạch này phải xác định rõ mục tiêu: tăng người dùng (độc giả, khán giả) và tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí. Bởi lẽ nếu mất dần người dùng và giảm dần nguồn thu thì báo chí chẳng khác nào “vật trang trí”, không còn đủ sức chi phối dư luận xã hội.

Thách thức của báo chí thời chuyển đổi số

Trong số nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu trên, 3 giải pháp chính về công nghệ, vốn đầu tư và nguồn nhân lực đều gặp phải những thách thức lớn đối với các cơ quan báo chí.

Thách thức về công nghệ

Đây là thách thức mang tính thời đại vì mọi thứ bây giờ đều gắn liền với công nghệ, thậm chí bị công nghệ hóa. Trong khi đa số dân làm báo đều không rành về công nghệ dù nó đã gắn chặt với nội dung như hai mặt của một đồng xu. Nhiều cơ quan báo chí đau đầu trước 3 sự lựa chọn:

Phương án 1: Hợp tác toàn diện với công ty công nghệ. Phương án này có lẽ hợp với các báo điện tử có “đại gia” công nghệ như FPT, VNG... hậu thuẫn. Nếu không có “đại gia” hỗ trợ với tư cách “người nhà” mà phải thuê công ty công nghệ thì đương nhiên các cơ quan báo chí sẽ “bị lệ thuộc công nghệ”. Có khi nội dung tốt nhưng công nghệ không tốt sẽ không đủ sức thu hút bạn đọc, không đủ khả năng cạnh tranh lành mạnh với các báo khác.

Phương án 2: Tuyển lực lượng công nghệ để xây dựng thành bộ phận chuyên trách công nghệ của cơ quan báo chí. Phương án này phù hợp với các cơ quan báo chí lớn, có nguồn lực tài chính mạnh. Ưu điểm là tự chủ công nghệ, nhưng nhược điểm là “nở nồi” nhân sự, liệu về lâu dài có đủ khả năng duy trì bộ máy và có đủ sức điều hành để phát huy đội ngũ công nghệ chuyên trách hay không.

Phương án 3: Dung hòa 2 phương án trên bằng cách tuyển lực lượng công nghệ vừa đủ để lo những vấn đề cơ bản và hợp tác với các đối tác công nghệ uy tín để lo những vấn đề phức tạp. Phương án này phù hợp với các cơ quan báo chí có nguồn lực tài chính vừa phải và xác định thế mạnh là đầu tư sản xuất nội dung, chứ không đầu tư quá nhiều vào công nghệ. Việc đầu tư công nghệ phải bảo đảm hiệu quả, không chạy đua theo xu hướng một cách dàn trải.
Tùy theo quy mô, nguồn lực và mục tiêu mà các cơ quan báo chí có thể lựa chọn một trong ba phương án công nghệ nêu trên.

Thách thức về vốn đầu tư

Tùy theo nguồn lực của mình, từng cơ quan báo chí có thể chủ động xây dựng kế hoạch và đưa ra các quyết định đầu tư chuyển đổi số khác nhau. Căn cứ vào định hướng phát triển trước mắt và lâu dài, từng cơ quan báo chí có thể chọn lựa phương án đầu tư trọn gói để bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán từ đầu hoặc chọn phương án đầu tư từng bước cho từng loại hình sản phẩm báo chí, phù hợp với năng lực quản lý và điều hành của đội ngũ.

Thách thức của báo chí thời chuyển đổi số

Cách đây hơn chục năm, có một cơ quan báo chí được chào gói công nghệ “chuyển đổi số” gồm 4 mô đun (với kinh phí khoảng 5 tỉ đồng/mô đun): tòa soạn điện tử cho báo giấy, tòa soạn điện tử cho báo mạng, hệ thống lưu trữ thông minh và hệ thống quản lý dịch vụ quảng cáo. Sau nhiều tháng cân nhắc, lãnh đạo cơ quan báo chí này quyết định chỉ đầu tư một mô đun tòa soạn điện tử cho báo giấy vì đó là sản phẩm chủ lực, đang mang lại nguồn thu lớn nhất ở thời điểm hoàng kim của báo giấy. Ba mô đun kia bị gác lại để tính sau.

Đến nay, chỉ trong vòng 10 năm, khi báo giấy rớt xuống tận đáy, họ tiếc nuối vì không đầu tư sớm tòa soạn điện tử đồng bộ cho báo mạng mà sau đó phải đầu tư chắp vá dẫn đến khó kết nối giữa hai tòa soạn báo giấy và báo điện tử với nhau.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy dù đầu tư dần hay trọn gói đều cần có chiến lược và kế hoạch bài bản được giám sát chặt chẽ hàng năm. Những người lãnh đạo các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm giải trình trước đội ngũ về kết quả thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển đồng bộ, hiệu quả. Tất nhiên, đội ngũ cũng phải có trách nhiệm giám sát, chất vấn lãnh đạo của mình về định hướng phát triển sự nghiệp thông qua chiến lược và kế hoạch đã thống nhất.
Đúc kết từ các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn hiện nay cho thấy tầm nhìn và năng lực của những người lãnh đạo ở các cơ quan báo chí ấy có vai trò quyết định đến hướng đi và sự thành công của họ.

Thách thức về nguồn nhân lực

Hai thách thức về công nghệ và vốn đầu tư chỉ là chuyện nhỏ so với thách thức về nguồn nhân lực, gồm cả nhân lực lãnh đạo và nhân lực thực thi trong một cơ quan báo chí.

Một anh thư ký tòa soạn của một tờ báo lớn đã từng từ chối tham gia nhóm đổi mới báo online với lý do “lâu nay chỉ biết làm báo giấy và sống chết với báo giấy thôi”. Anh ấy nói thẳng rằng: “Khi nào báo giấy chết thì tôi xin nghỉ, chứ không thể tham gia làm báo online được”. Với quan điểm đó, một người làm báo lâu năm và có nghề đã tự dừng lại, không tìm hiểu, học hỏi để thích nghi với thời kỳ chuyển đổi số. Nhiều đàn em của anh ấy đã vượt qua, trong đó có người đang là sếp trực tiếp của anh nhà báo kỳ cựu đó.

Không chỉ thư ký tòa soạn mà nhiều biên tập viên, phóng viên làm báo giấy lâu năm rất ngại chuyển sang làm báo online hoặc làm các sản phẩm báo chí trên mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok... Thật ra, không ít nhà báo xuất thân từ báo giấy đã thích nghi khá nhanh với mạng xã hội nhưng chỉ với tư cách cá nhân, chứ chưa thích nghi với tư cách người sản xuất nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều khi họ viết cho mạng xã hội nhanh hơn, nhiệt tình hơn là sản xuất hay chia sẻ nội dung chính thức cho trang mạng xã hội của chính báo mình.

Vì thế, nhiều cơ quan báo chí hiện nay không chỉ ban hành các quy chế hoạt động trên không gian mạng mà còn hướng dẫn, tập huấn đội ngũ (cũ và mới) đủ khả năng thực hiện các sản phẩm báo chí mới trên mạng xã hội. Nghĩa là họ chủ trương mở các “sạp báo” trên mạng xã hội để quảng bá nội dung báo chí và có thêm nguồn thu từ các “sạp báo” ảo đó nhờ quảng cáo, truyền thông hay khai thác bản quyền.

Muốn vậy, báo chí phải chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn để thay đổi từ phong cách, thói quen làm báo cho đến tổ chức lại quy trình, bộ máy hoạt động trong vận hành và sản xuất các nội dung số sao cho hấp dẫn, thiết thực với công chúng.
Hãy xem những thách thức hiện nay là sức ép tích cực để báo chí đổi mới và chủ động bước sang thời kỳ phát triển mới, thích nghi với kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số trên toàn thế giới.