Nội dung được Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nói tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, sáng 24/12, với sự tham dự hơn 700 đại diện các cơ quan báo chí, quản lý trên cả nước.

'Báo chí cần truyền cảm hứng, giá trị tốt đẹp'

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị, sáng 24/12. Ảnh: Thanh Thuỳ

Ông Lâm dẫn chứng qua gần ba năm cả nước chống chọi và vượt qua Covid-19, nhiều tờ báo đã mở tuyến bài hay, ý nghĩa về chân dung y bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu chiến đấu với dịch; vinh danh nhân vật hết lòng vì cộng đồng... Bên cạnh đó không gắn với yếu tố thời sự nóng, một số cơ quan báo chí khắc hoạ những con người bình dị, thầm lặng, có sức lan toả trong đời sống... Những chuyên mục, tin bài nói trên khi đăng tải tạo hiệu ứng tốt, thu hút bạn đọc.

Tuy nhiên ông Lâm nêu vẫn còn nhiều tin bài thiếu tính nhân văn, chạy theo thị hiếu giật gân để câu view mà quên đi giá trị cốt lõi của báo chí. Đây là những biểu hiện lệch lạc, cẩu thả trong tác nghiệp của bộ phận phóng viên, thậm chí của một số toà soạn báo và tạp chí. "Khi báo chí phản ánh cuộc sống với lăng kính méo mó, thông tin tiêu cực sẽ trở thành dòng chủ lưu, che lấp những mặt tốt đẹp, tích cực của xã hội", ông Lâm nói.

Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, báo chí không được đánh mất vai trò giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống cái sai, nhưng phản biện, phê phán nhằm xây dựng, để độc giả không nhìn xã hội toàn điều bất an, tăm tối. Đây là việc khó của báo chí nhưng không phải không thể thực hiện, muốn làm được cần sự đồng lòng của những nhà báo, phóng viên chân chính, có nghề.

Ngày 9/12, Thủ tướng đã ban hành Đề án "Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025", trong đó xem báo chí là lực lượng quan trọng phát hiện, nhân rộng, lan toả các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong đời sống...

Ngoài nội dung báo chí cần góp phần lan toả giá trị tốt đẹp, vấn đề siết chặt quản lý, quy hoạch báo chí để hạn chế các sai phạm cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Phó ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đánh giá năm qua một số sở thông tin và truyền thông e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí. Vai trò của hội nhà báo các cấp còn hạn chế, chưa chủ động xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.

Ông Lâm cho rằng một số cơ quan báo chí có tỷ lệ thông tin tích cực và mặt trái chưa cân đối. Tính định hướng, dẫn dắt trong một số vụ việc còn chậm, thiếu nhạy bén. Tình trạng "báo hóa" tạp chí, biểu hiệu "tư nhân hóa" báo chí chưa được khắc phục triệt để.

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt gần 1,9 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn ba tháng đối với hai cơ quan báo chí; thu hồi thẻ nhà báo đối với một lãnh đạo cơ quan báo chí.

'Báo chí cần truyền cảm hứng, giá trị tốt đẹp'

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Đạt

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu thời gian qua nhiều trường hợp lợi dụng thẻ nhà báo, danh nghĩa báo chí để vi phạm pháp luật. Ông cho biết năm tới sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan báo chí; giải quyết điểm nghẽn để quản lý chặt hơn quá trình quy hoạch báo chí nhằm tinh gọn bộ máy, tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong các cơ quan báo.

Tại hội nghị, ông Trần Thanh Lâm đề nghị cơ quan báo chí cần đẩy nhanh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ để tránh tụt hậu. Hiện, nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông để tăng khả năng tiếp cận cho người dân. Tuy nhiên, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ quan báo chí chưa theo kịp yêu cầu. Trình độ chuyên môn và kỹ năng tác nghiệp của không ít người làm báo chưa theo kịp ứng dụng công nghệ.

Việt Nam hiện có 127 báo và 670 tạp chí; 72 đài phát thanh, truyền hình. Đến tháng 9/2022, doanh thu của các báo, tạp chí từ quảng cáo, phát hành là 4.700 tỷ đồng, còn ngân sách nhà nước cấp 4.800 tỷ đồng. Với đài phát thanh, truyền hình, tính đến 11/2022, tổng kinh phí hoạt động là 15.092 tỷ đồng, trong đó nhà nước cấp 4.911 tỷ đồng, còn lại doanh thu dịch vụ. Nhân sự trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người (khối phát thanh, truyền hình khoảng 16.500 người). Trong đó, hơn 19.300 trường hợp được cấp thẻ nhà báo.