Một số tờ báo điện tử, trang fanpage đã có lượng độc giả vượt so với các tờ báo có bề dày truyền thống. Tuy nhiên, tốc độ thông tin ngày càng nhanh, đòi hỏi trách nhiệm xã hội của mỗi cơ quan báo chí và nhà báo càng lớn hơn để đảm bảo đưa thông tin chuẩn xác, đầy đủ và có ý nghĩa nhân văn tới công chúng.
Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết "Chuyển đổi số báo chí - chuyên nghiệp, nhân văn" phản ánh xu thế báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; đáp ứng yêu cầu, bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ, truyền thông hiện đại.
Bài 1: Xây dựng chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả là trung tâm
Thói quen tiếp nhận thông tin của độc giả ngày càng thay đổi, từ đọc báo, xem tivi truyền thống nay đã chuyển dần sang đọc báo, thông tin qua ứng dụng (app) hoặc trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, WhatsApp... Chuyển đổi số báo chí thế nào để giữ chân bạn đọc, thu hút và tăng doanh thu quảng cáo là vấn đề đặt ra đối với mỗi cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử. Trong bối cảnh hiện nay, bạn đọc đang có xu hướng tìm đến các nền tảng số trên mạng internet, báo chí cũng phải có bước chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu công chúng.
Tạo sức mạnh tổng hợp của cơ quan thông tin đa phương tiện chủ lực quốc gia
Báo Điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) luôn cập nhật xu thế chuyển đổi số và cách tiếp cận thông tin đa phương tiện; đầu tư vào cách trình bày nội dung hiện đại, hiện diện trên nhiều nền tảng để phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc.
Không chỉ thực hiện tốt vai trò thông tin chính luận, Báo điện tử VietnamPlus đã mở rộng phát hành trên nền tảng số. Cụ thể, bên cạnh fanpage tiếng Việt, VietnamPlus lập tài khoản trên các nền tảng được nhiều người sử dụng khác như Zalo, TikTok, MyClip, Twitter… Các sản phẩm tin, bài của VietnamPlus cũng được thể hiện theo phong cách hiện đại như video 1:1 dạng mutex (lời bình được thể hiện qua phụ đề trên nền nhạc có bản quyền), đáp ứng được thị hiếu, cũng như thói quen xem video trên điện thoại, máy tính bảng.
Hiện nay, một số sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng đã, đang được triển khai. VietnamPlus ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp tăng lượng người dùng, truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng Thư tòa soạn (Newsletter) hay Tin tuyển chọn từ Ban biên tập (Editors Picks)…
Phó Tổng biên tập VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật cho biết: Từ lâu nay, VietnamPlus đã có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái số, đưa tin tức lên nền tảng số. Những nghiên cứu gần đây cho thấy xu hướng người đọc dịch chuyển trên nền tảng số ngày càng phát triển, trong điều kiện ấy báo chí phải bắt kịp xu hướng này, đón đầu độc giả, bởi ở đâu có độc giả, ở đó có báo chí.
Thời gian tới, VietnamPlus sẽ tiếp tục hướng đến việc phát triển trên các nền tảng công nghệ số, sản xuất các sản phẩm thông tin đa phương tiện theo xu hướng báo chí mới, hiện đại; tận dụng tối đa các kênh truyền thông xã hội nhằm lan tỏa thông tin, tiết kiệm chi phí, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ, sự thay đổi về phương thức tiếp cận thông tin của độc giả...
Cùng với VietnamPlus và các tờ báo trong ngành, TTXVN đã triển khai chuyển đổi số từ rất sớm, với phương châm: Chuyển đổi số phải song hành cùng việc giữ vững các giá trị nền tảng, đảm bảo tính thiết thực, nhân văn của thông tin, phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị thông tin, mỗi cơ quan thường trú trong nước và nước ngoài, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cơ quan thông tin đa phương tiện chủ lực quốc gia. Bên cạnh duy trì hình thức đăng tải, phát hành báo chí truyền thống, TTXVN đã chủ động, tích cực phổ biến thông tin lên mạng xã hội nhằm lan tỏa rộng rãi nguồn thông tin chính thống, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cung cấp nguồn thông tin chính thống đến đông đảo công chúng.
Các đơn vị thông tin nguồn, các đơn vị báo chí xuất bản của TTXVN đã đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức thông tin, áp dụng nhiều loại hình thông tin mới như infographic, longform (tích hợp tin văn bản, ảnh, video, biểu đồ… trong cùng một sản phẩm), megastory (tác phẩm báo chí bao gồm âm thanh, video, ảnh, dữ liệu thể hiện bằng công nghệ kỹ thuật số), timeline (thông tin tư liệu tổng hợp theo dòng thời gian) đồng thời tích cực phổ biến thông tin về Việt Nam lên các ứng dụng mạng xã hội bằng nhiều ngữ: Việt, Trung, Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha…, đa dạng hóa phương thức thể hiện thông tin đối ngoại, hoàn thành tốt vai trò cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia.
Hiện TTXVN có 14 fanpage được Facebook xác thực với định hướng phổ biến thông tin chính thức, phản ánh chân thực dòng chảy chính của cuộc sống, phản ánh sinh động các thành tựu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước cũng như trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng tiêu cực do Đảng khởi xướng hiện nay. Các trang facebook bằng các ngữ đã phát huy hiệu quả trong thực hiện, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. TTXVN sử dụng nền tảng số như một kênh phân phối nội dung hữu hiệu, đặc biệt là nội dung đa phương tiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, lan tỏa rộng rãi thông tin tới người dùng trên toàn cầu.
Theo Tổng Giám đốc TTXVN, Vũ Việt Trang, đối với TTXVN, văn hóa, sáng tạo là hai yếu tố song hành để mỗi sản phẩm báo chí là kết tinh của các giá trị văn hóa và tư tưởng chính trị. Việc ứng dụng những công nghệ hiện đại góp phần làm mới các chủ đề thông tin quen thuộc. Cụ thể như trí tuệ nhân tạo AI. Đây là bước đột phá đang dần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm. Để làm chủ được công nghệ, để công nghệ mang lại tiện ích, cần nắm được công nghệ, dùng trí tuệ của con người để tạo thêm giá trị gia tăng cho các ứng dụng số, khi đó, công cụ AI sẽ có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu hiện đại.
Về hướng đi của TTXVN tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng Giám đốc TTXVN, Vũ Việt Trang nêu rõ: Xác định xu thế chính của năm 2023 là chuyển đổi số trong mọi hoạt động, quy trình tác nghiệp, quản lý báo chí. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phóng viên thông tấn phải giữ vững giá trị nền tảng, nhanh nhạy thích ứng, nắm bắt tình hình, làm chủ công nghệ, triển khai quyết liệt, tích cực, hiệu quả hơn các chương trình, kế hoạch đã đề ra. Toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin, chú trọng phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị thông tin, mỗi cơ quan thường trú trong nước và nước ngoài để tạo ra sức mạnh tổng hợp của cơ quan thông tin đa phương tiện chủ lực quốc gia.
Bên cạnh đó, từng đơn vị chú ý nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm thông tin hiện có, tạo ra các sản phẩm thông tin mới có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện hơn với người sử dụng; tăng sức lan tỏa của thông tin trên đa nền tảng, phục vụ tốt yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như nhu cầu đa dạng của công chúng.