Đây là những nội dung chính được đề cập đến tại Hội thảo thúc đẩy Chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản, diễn ra hôm nay (27/10/2023) tại Hà Nội. Sự kiện do Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chủ trì với sự phối hợp của Viện sáng tạo và Chuyển đổi số.
Xu thế tất yếu của báo chí thế giới và Việt Nam
Chuyển đổi số được coi là xu thế tất yếu của báo chí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trên thế giới, nhiều Tập đoàn Báo chí - Truyền thông đã đi tiên phong và thành công trong việc thực hiện chuyển đổi số, từ mô hình đưa tin truyền thống sang nhiều định dạng mới, phân phối đa nền tảng...
Còn tại Việt Nam, nhờ việc thích ứng và có những bước chuyển mình trong bối cảnh chuyển đổi số, không ít báo mạng điện tử tại Việt Nam đã nhanh chóng tạo được sức hút với bạn đọc, đồng thời cho thấy khả năng truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và và đa dạng. Nhiều tác phẩm báo chí ứng dụng công nghệ số và dữ liệu tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, lôi cuốn và tạo cảm giác gần gũi với bạn đọc. Việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí cũng hỗ trợ rất nhiều cho các nhà báo, phóng viên, thuận lợi hơn trong việc thu thập thông tin, tiến hành phân tích dữ liệu, sản xuất nội dung…
Trong bối cảnh đó, Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần hiện thực hoá Quyết định 348/QĐ-TTg của Thủ tướng về chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhìn nhận các chuyển biến trong xu hướng chuyển đổi số báo chí, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình CĐS và đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đề cập đa dạng các vấn đề: từ thách thức và cơ hội của chuyển đổi số báo chí, các xu hướng phát triển của báo chí và xuất bản số, mô hình toà soạn hội tụ trong xu thế mới..., cho đến những mô hình kinh doanh mới. Cùng đó, là các công nghệ mới đặc thù cho việc thu thập và phân tích dữ liệu, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất và sáng tạo nội dụng cho báo chí và xuất bản...
Định hình mối quan hệ mới với độc giả
Với tham luận "Góc nhìn của cơ quan báo chí về tiến trình chuyển đổi số", ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus - đã mang đến hội thảo bức phác họa xu hướng phát triển báo chí số và những thách thức về các mục tiêu hướng đến Chiến lược Chuyển đổi số báo chí.
Theo đó, với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ và thời cuộc, công chúng đã và đang thay đổi phương thức tiếp cận thông tin từng ngày. Sự phát triển của internet và các nền tảng mạng xã hội mang đến nhiều kênh thông tin hơn. Cùng đó, hành vi của người dùng cũng thay đổi: từ việc cầm tờ báo trên tay hay xem tivi, nghe radio... đã chuyển sang giải trí và học tập trên các thiết bị di động.
Từ những biến đổi đó, dẫn đến 7 sự chuyển đổi lớn của báo chí: (1) Từ báo in sang báo điện tử; (2) từ ảnh và text sang đa phương tiện; (3) từ desktop sang mobile; (4) từ search sang social media; (5) TV thụ động sang streaming VOD; (6) Từ quảng cáo truyền thống sang quảng cáo lập trình; (7) Từ người dùng ẩn danh/ vô danh sang người dùng internet định danh.
Trong bối cảnh độc giả, khán thính giả đang “di cư” lên các nền tảng số ngày một nhiều như vậy, chuyển đổi số báo chí trở thành một yêu cầu mang tính "sống còn", khi các đơn vị phải nắm bắt xu thế, ứng dụng công nghệ và sáng tạo hơn trong việc tạo ra nội dung để thu hút, giữ chân người dùng...
"Và tất nhiên, cơ cấu của các tòa soạn cũng vì thế mà dần thay đổi theo xu thế phát triển của báo chí" - ông Hoàng Nhật cho biết - "Các tòa soạn hội tụ sẽ hình thành những bộ phận mới, với các vị trí, chức danh mới để phục vụ việc sản xuất, phát hành các nội dung đã được định dạng phù hợp để phân phối trên các nền tảng số..."
Từ việc phân tích các yếu tố này, diễn giả cho rằng, các tòa soạn đang dần xây dựng mối quan hệ mới với độc giả. Trong đó, độc giả / khán thính giả được đặt ở vị trí trung tâm, và cơ quan báo chí buộc phải xây dựng chân dung họ, thấu hiểu họ để hình thành và "giữ chân" các độc giả trung thành.
Kết thúc Hội thảo là phần toạ đàm với các nội dung chính liên quan đến công cuộc chuyển đổi số báo chí như: vấn đề chính sách; các quy định mang tính pháp lý về thu thập dữ liệu người dùng, bản quyền các sản phẩm/tài liệu số trong không gian số; các sáng kiến và kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực này;
Có thể thấy, các báo cáo, tham luận cũng như toạ đàm trong buổi hội thảo phản ánh các góc nhìn khác nhau về điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện chuyển đổi số cơ quan báo chí. Đồng thời, đây cũng là những gợi ý về lộ trình, giải pháp, nền tảng hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản...