Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Chuyển đổi số trong báo chí không chỉ là vấn đề công nghệ
Đại dịch COVID-19 đã khiến cho báo chí nhận ra rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu, cần phải bắt tay vào làm ngay. Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Ở vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, ông Lâm cho rằng, vấn đề không phải là đầu tư tiền ngân sách mà là khả năng kéo các chủ thể liên quan cùng tham gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí.
Chia sẻ giải pháp của Trung tâm Nội dung số VTC Now (Đài truyền hình VTC), Nhà báo, Giám đốc Nguyễn Lê Tân cho hay, cần tập trung vào sản xuất nội dung tốt chứ không phải là chỉ đầu tư thiết bị công nghệ, mà muốn nội dung tốt thì yếu tố quyết định là con người. Lấy ví dụ các video ca nhạc hoặc các clip trên TikTok thật sự hấp dẫn dù chỉ được sản xuất bằng điện thoại, nhà báo Nguyễn Lê Tân khẳng định đó là minh chứng cho thấy chuyển đổi số không phải một cuộc cách mạng khủng khiếp về công nghệ và thiết bị mà trước tiên phải là sự thay đổi trong suy nghĩ.
Thêm nữa, việc thu thập dữ liệu độc giả ngày càng quan trọng bởi thời đại ngày nay, nếu không tìm đúng độc giả thì nội dung có hấp dẫn đến đâu cũng không lan tỏa được. “Nếu với báo chí truyền thống, bạn muốn đọc tin, bạn cần đi tìm mua báo, tức là người đi tìm tin. Còn với báo chí trên mạng xã hội, máy tính đã thu thập thói quen của bạn và đề xuất những tin tức hoặc nội dung phù hợp với nhu cầu, tức là tin đi tìm người,” nhà báo Nguyễn Lê Tân nêu ý kiến.
Cùng chung quan điểm đó, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus thông tin: "Việc thu thập dữ liệu độc giả sẽ giúp báo chí hiểu rõ hơn độc giả của mình, từ đó đề ra những chiến lược nội dung cũng như chiến lược kinh doanh tốt hơn. Qua theo dõi công cụ Google Analytics, tòa soạn VietnamPlus đã có những sự điều chỉnh kịp thời để tăng traffic, phát triển những tuyến nội dung chuyên sâu mà độc giả quan tâm".
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh, chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung, thay đổi công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, chúng ta không có cách nào khác là phải tích cực số hoá. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ về chuyển đổi số khi cho rằng chỉ cần đầu tư thiết bị công nghệ, một số chương trình phần mềm và cho đó là mình đã thực hiện chuyển đổi số. Nhưng vấn đề không phải như vậy. "Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital cũng như tạo được môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn. Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hoá nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí phải có suy nghĩ hết sức nghiêm túc về vấn đề này, phải đánh giá được nhu cầu của mình, phải xác định được con đường mình muốn đi, xác định mục tiêu hướng tới, từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp.
Ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết, để có sự thay đổi về tư duy, nhận thức trong chuyển đổi số, VTV đã trải qua quá trình dài và phải mất vài năm mới có được nhận thức vấn đề và lại phải tiếp tục thay đổi theo xu thế chung. VTV cũng xác định rất rõ ràng rằng, việc thay đổi tư duy trong chuyển đổi số không chỉ ở người lãnh đạo, ở bộ phận nội dung hay kỹ thuật mà tất cả đều cùng phải vào cuộc.
Muốn chuyển đổi số cần thay đổi từ dịch vụ đến con người
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng quá trình chuyển đổi số của báo chí đang chậm hơn xu thế chung. Do đó, muốn chuyển đổi số thì các cơ quan báo chí cần phải thay đổi từ quy trình cung cấp dịch vụ đến con người.
Thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng báo chí ngại thay đổi trong xu hướng chuyển đổi số. Khi chuyển đổi số không phải thay đổi quy trình, bộ máy mà thay đổi từ con người, nếu con người không thay đổi thì việc chuyển đổi sẽ không hiệu quả. Do đó, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng, trong định hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí có 2 mảng việc cần thực hiện ngay. Đó là quản trị nội bộ, các vấn đề về tài chính trong báo chí và vấn đề quản lý, sản xuất và lưu trữ nội dung. Việc này cần một nguồn kinh phí đầu tư rất lớn.
Bản thân Bộ Thông tin và Truyền thông đang có chủ trương xây dựng các nền tảng lớn bảo đảm độc lập chủ quyền trên không gian mạng. Theo đó, với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp tư vấn, đưa ra các nền tảng dùng chung, xác định về khoảng giá, tránh tình trạng cùng một nền tảng nhưng kinh phí đầu tư lại chênh lệch quá lớn giữa các đơn vị. Với các cơ quan báo chí chủ lực, mỗi cơ quan sẽ xây dựng một nền tảng dùng chung, các cơ quan khác có thể cùng sử dụng và trả phí. Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích các báo, đài lớn có đủ nguồn lực tự đầu tư để xây dựng, phát triển nền tảng riêng. Đối với các cơ quan báo chí vừa và nhỏ, bên cạnh việc kết nối với các nền tảng của các cơ quan báo chí chủ lực, Bộ Thông tin và truyền thông cũng dự kiến đề xuất xây dựng nền tảng riêng cho nhóm này để chủ động vận hành…
Căn cứ Nghị quyết số 50 ngày 20/5/2021 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, một trong những nhiệm vụ chủ yếu Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện là chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo, nghiên cứu báo chí. Việc thảo luận, phân tích những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.
Có thể thấy, việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới là cần thiết. Từ đó, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Thiết nghĩ, để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát, chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng cần tổng hợp các giải pháp từ chính sách đến thực tiễn mà trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nêu cao vai trò chủ động trong việc định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ hội, doanh thu và các giá trị gia tăng.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Mục tiêu cơ bản của Chiến lược là phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội; phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả để người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Cùng đó, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 hướng đến thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới vào chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa nguồn thu báo chí. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý.