Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Chuyển đổi số báo chí sẽ trở thành xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí. Thực chất của báo chí chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.
Thế giới bước vào giai đoạn 3 của quá trình chuyển đổi số báo chí
Đến thời điểm này, báo chí thế giới đã trải qua 3 giai đoạn của chuyển đổi số (một số người gọi là chuyển đổi số chu kỳ thứ 3, hoặc chuyển đổi số vòng thứ 3).
Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn ra đời của báo chí số-hay còn gọi là báo internet, báo mạng điện tử, báo online-vào năm 1992, với sự xuất hiện của tờ Chicago Tribune (Mỹ). Tại Việt Nam, Tạp chí Quê hương online của Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) được coi là tờ báo số đầu tiên. Đến nay, ở nước ta có 29 tờ báo mạng điện tử độc lập; hầu hết cơ quan báo in, phát thanh, truyền hình đều có báo mạng điện tử. Báo chí số ra đời nhờ công nghệ số hóa dữ liệu và môi trường internet, với những thế mạnh mà các loại hình báo chí truyền thống không có được, như: Tính cập nhật tức thì, tính siêu liên kết, siêu tương tác, siêu lưu trữ, tính đa phương tiện (đa ngôn ngữ)...
Năm 2016, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện. Những thành tựu vượt trội như dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), internet vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) của Cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng vào lĩnh vực báo chí, đưa báo chí bước vào giai đoạn thứ hai-giai đoạn chuyển đổi số.
Báo chí chuyển đổi số không đơn giản chỉ là số hóa dữ liệu và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động báo chí, mà là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí: Từ mô hình tòa soạn, tổ chức bộ máy, quy trình sản xuất, phát triển nội dung, phương thức tác nghiệp, tiếp thị công chúng, quản lý dữ liệu, văn hóa tòa soạn, đến hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí.
Một trong những kết quả của chuyển đổi số báo chí là sự xuất hiện phổ biến các mô hình truyền thông mới: “Tòa soạn hội tụ”, “Báo chí đa phương tiện”, “Báo chí đa nền tảng”, “Báo chí di động”, “Báo chí mạng xã hội”... Nhiều tờ báo in, chương trình phát thanh, truyền hình cũng dịch chuyển lên nền tảng internet. Cùng với đó, công nghệ kỹ thuật hiện đại cho phép nhà báo sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn: Megastory, infographics, long form, data journalism, media, lens, podcast, video... Chuyển đổi số báo chí cũng giúp lãnh đạo cơ quan báo chí thay đổi phương thức quản trị nội bộ tòa soạn, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng... dựa trên phần mềm kỹ thuật số.
Tháng 5-2018, Google trình diễn trợ lý ảo có khả năng nói chuyện như người thật, thậm chí ứng biến linh hoạt khi có tình huống bất ngờ trong cuộc hội thoại. Lập tức, AI bắt đầu được sử dụng rộng rãi tại các tòa soạn trên thế giới, từ các cơ quan báo chí lớn của Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italy, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc cho đến các quốc gia đang phát triển như Brazil, Argentina, Việt Nam... Năm 2018 được xem là cột mốc mở ra giai đoạn 3 của quá trình chuyển đổi số báo chí. Tại Việt Nam, ngày 5-1-2021, Báo Thanh Niên trở thành đơn vị tiên phong ứng dụng AI. Đến nay, nhiều tờ báo Việt Nam cũng đã khai thác AI, nhưng ở mức sơ khai.
Tiếp nối dòng báo chí AI, ngày 30-11-2022, công nghệ ChatGPT (phát minh bởi công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI, Mỹ) ra đời, mở ra cơ hội, đồng thời cũng là thách thức to lớn hơn cho báo chí. Mathias Doepfner, lãnh đạo tập đoàn truyền thông Axel Springer (Đức) đã tuyên ngôn, ChatGPT có thể tạo nên một cuộc cách mạng thông tin và cho rằng: “Chỉ những cơ quan tạo ra được nội dung gốc xuất sắc nhất mới có thể tồn tại”.
Như vậy, báo chí số vẫn là “lõi” của báo chí chuyển đổi số. Thực chất của báo chí chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.
Vai trò dẫn dắt của người đứng đầu cơ quan báo chí
Để chuyển đổi số thành công, điều cốt yếu là nhân lực. Nhân lực phải biết vận dụng công nghệ số vào thực tiễn, hành xử đồng bộ theo tư duy số mang tính hệ thống, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan báo chí.
Như vậy, chuyển đổi số báo chí phụ thuộc vào nhân lực ở tất cả các khu vực khác nhau trong cơ quan báo chí: Lãnh đạo, quản lý cấp cao; lãnh đạo, quản lý cấp trung; quản lý cấp cơ sở; đội ngũ cán bộ, phóng viên. Tất cả như những mắt xích quan trọng để vận hành cỗ máy chuyển đổi số. Nếu một mắt xích bị lỗi, cỗ máy sẽ vận hành ì ạch, kém hiệu quả, thậm chí không thể hoạt động.
Ở giai đoạn 3 của báo chí chuyển đổi số, điều cần ở người đứng đầu cơ quan báo chí là tư duy “đi tắt đón đầu” công nghệ, hành động quyết liệt với các mục tiêu cụ thể cần đạt được, chẳng hạn: Đưa nội dung lên nền tảng số (với những cơ quan chưa có tờ báo điện tử); tổ chức lại các khu vực nhân sự phù hợp để vận hành mô hình tòa soạn hội tụ (với những cơ quan báo chí đa loại hình); phát triển báo chí mạng xã hội; sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số (báo chí dữ liệu, báo chí thị giác, báo chí sáng tạo...); triển khai các ứng dụng AI, Chatbot, ChatGPT; cử lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí...
Để làm được nhiều việc cho chuyển đổi số tờ báo của mình, trước hết người đứng đầu cơ quan báo chí phải được học, được đào tạo bởi các chuyên gia chuyển đổi số, từ giảng viên công nghệ, từ các cơ sở đào tạo. Vùng kiến thức dành cho lãnh đạo cơ quan báo chí nên bao gồm: Kiến thức về báo chí chuyển đổi số (công nghệ, kỹ thuật, dự báo); kiến thức về quản trị báo chí chuyển đổi số (xây dựng chiến lược báo chí chuyển đổi số; quản trị nội dung; quản trị tòa soạn chuyển đổi số; quản trị nhân lực báo chí chuyển đổi số; quản trị kinh tế báo chí chuyển đổi số; quản trị văn hóa tòa soạn chuyển đổi số; quản trị an ninh báo chí chuyển đổi số; nghệ thuật lãnh đạo và quản lý báo chí chuyển đổi số; khai thác, quản lý dữ liệu công chúng báo chí số và khai thác nguồn thu từ công chúng số).
Xây dựng đội ngũ nhà báo “chuyển đổi số toàn diện”
Một đặc thù của chuyển đổi số là sự sáng tạo trên nền tảng công nghệ. Do vậy, đội ngũ cán bộ báo chí phải am tường công nghệ, kỹ thuật và thực sự giàu sáng tạo.
Chuyển đổi số thách thức nhà báo phải làm được nhiều điều khác biệt. Công nghệ chỉ là đòn bẩy, còn làm thế nào để tạo được dấu ấn, để mỗi tờ báo mang bản sắc riêng, không bị hòa lẫn trong "dàn đồng ca" thông tin xuôi chiều mới là bản chất. Do đó, để tác nghiệp được báo chí chuyển đổi số, nhà báo phải “chuyển đổi số toàn diện”, nghĩa là đạt được nhiều phẩm chất, kỹ năng: Kỹ năng sử dụng công nghệ làm báo digital; kỹ năng khai thác, kiểm chứng thông tin số; kỹ năng sáng tạo và tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện; kỹ năng hợp tác liên ngành; kỹ năng khai thác, xử lý tài nguyên dữ liệu số; kỹ năng bảo mật thông tin số; kỹ năng làm việc với IA, ChatGPT; có văn hóa và đạo đức phù hợp với tác nghiệp trong môi trường số.
Những phẩm chất, kỹ năng này tự học, tự lần mò là rất khó, nhất là khi thu nhập của các nhà báo cũng rất hạn hẹp, nên khó khai phóng mọi tiềm năng và tâm huyết của họ, do đó, đòi hỏi Nhà nước, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải có trách nhiệm hỗ trợ.
Ngày 6-4-2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhà báo; hỗ trợ phát triển nền tảng số quốc gia cho báo chí. Tuy vậy, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực báo chí chuyển đổi số của Nhà nước là giải pháp cấp bách. Tương lai báo chí chuyển đổi số còn dài, sẽ tiến triển qua nhiều chu kỳ, chắc chắn trở thành xu thế tất yếu ở tất cả cơ quan báo chí, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng được một nguồn lực cho báo chí chuyển đổi số toàn diện, thực chất, bài bản. Trách nhiệm đó thuộc về các cơ sở đào tạo báo chí.
Chuyển đổi số trong đào tạo báo chí đang buộc các cơ sở đào tạo phải tư duy lại toàn bộ phương thức hoạt động của mình cũng như những sản phẩm đào tạo cung cấp cho thị trường, cho xã hội nói chung. Để đáp ứng các yêu cầu của thời đại mới trong bối cảnh số, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông sẽ phải chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện. Các chương trình đào tạo báo chí cần cân bằng giữa khối kiến thức nền tảng, lý thuyết và kỹ năng thực hành. Trước khi thực hành nghề, các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp phải được đào tạo căn bản, dần dần đào tạo nâng cao, bổ sung và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới. Nếu chương trình đào tạo hàn lâm, người học sẽ thiếu kiến thức thực tế và tốn thêm thời gian tích hợp kỹ năng sau khi ra trường. Nếu chương trình học chỉ đào tạo kỹ năng, người học sẽ thiếu kiến thức nền tảng, kiến thức xã hội và đặc biệt là các phương pháp luận, phương pháp phân tích và giải quyết vấn đề dẫn đến có thể viết những bài sáo rỗng, không có chiều sâu và góc nhìn riêng. Chính vì vậy, nhiều cơ sở đào tạo báo chí còn tích cực thực hành mô hình “đưa tòa soạn đến giảng đường”, gắn đào tạo với thực tiễn sinh động.
Có thể khẳng định rằng, chuyển đổi số đang dẫn dắt báo chí khai phá những tiềm năng truyền thông siêu lớn dựa trên nền tảng công nghệ tân tiến và năng lực sáng tạo vô tận của con người. Nếu được sự cộng đồng, gắn kết trách nhiệm chặt giữa Nhà nước-cơ quan chủ quản-cơ quan báo chí-cơ sở đào tạo, bài toán “nhân lực chuyển đổi số toàn diện” cho báo chí sẽ được giải quyết, đem lại triển vọng tươi sáng cho báo chí Việt Nam.
Đầu tháng 6-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí (trực thuộc Cục Báo chí). Trung tâm có nhiệm vụ hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trung tâm là đầu mối hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đồng hành với mục tiêu của chương trình hỗ trợ báo chí chuyển đổi số.