Trí tuệ nhân tạo lên ngôi

Trong những năm trở lại đây, báo chí thế giới đã liên tục trải qua những thay đổi mang tính cách mạng từ phương thức sản xuất, phân phối tin tức cho đến tiếp cận độc giả. Sự chuyển biến bắt buộc này đến từ nhu cầu của bạn đọc ngày càng đa dạng, thay vì thụ động tiếp nhận thông tin thì giờ đây người dùng đã chủ động tìm kiếm và thu thập thông tin từ nhiều phương tiện truyền thông khác nhau như mạng xã hội, Podcast, ứng dụng OTT... Và tất nhiên, báo chí Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng mang tính thời đại này.

Có thể hình dung, với công nghệ AI, một bạn đọc có sở thích đọc tin thể thao khi truy cập vào trang báo sẽ nhận được những thông tin mà mình muốn thay vì các tin tức văn hóa, xã hội. Không chỉ thế, các dạng tin tức được gửi tự động sẽ được AI phân phối đến những độc giả có nhu cầu. - Phó Tổng Biên tập Vietnamplus Nguyễn Hoàng Nhật

Có thể nhận thấy, thay vì cách trình bày đơn điệu trên khuôn khổ của một trang báo in hay dài dòng toàn "chữ với chữ" trên màn hình máy tính của báo điện tử như cách đây vài năm thì ở thời điểm hiện tại mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Nhiều tòa soạn lớn như Thông tấn xã Việt Nam, VnExpress, Zing News, Dân trí... đã liên tục áp dụng các công nghệ mới nhằm thay đổi cách thức thể hiện của một bài báo. Từ đó xuất hiện các dạng báo chí mới như bài viết đa phương tiện, tin tức theo dòng sự kiện có tính tương tác cao, Infographic, Longform, Mega Story, radio, Podcast... hay xu hướng báo chí dữ liệu đã lên ngôi một cách rõ rệt.

Công nghệ sẽ định hình lại báo chí

Coi công nghệ là trọng tâm cốt lõi để phát triển nội dung thì việc công nghệ liên tục thay đổi cũng khiến các tòa soạn phải liên tục cập nhật các xu hướng mới. Điều này vô hình trung cũng là hướng đi cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đọc và nhìn ngày càng cao, đa dạng của độc giả. Tiêu biểu trong các công nghệ mới là trí tuệ nhân tạo (AI), đây được xem là một trong những bước tiến lớn, hứa hẹn sẽ đem lại sự thay đổi rõ rệt đối với các cơ quan báo chí.

Hiện tại, VietnamPlus là một trong những tờ báo điện tử đi đầu trong việc ứng dụng AI vào hoạt động của mình. Công nghệ này đã giúp VietnamPlus tạo ra Chatbot có thể tương tác với độc giả, qua đó nắm được thói quen, hành vi của bạn đọc, nhờ vậy giúp tăng mạnh tính cá nhân hóa của tờ báo. Không chỉ vậy, AI cũng khiến cho công tác sản xuất nội dung được giảm thiểu đáng kể khi hỗ trợ đáng kể các thao tác thực hiện báo chí đa phương tiện, sản xuất video, chuyển đổi văn bản thành giọng nói, kiểm tra tin giả ...

Theo Phó Tổng Biên tập Vietnamplus Nguyễn Hoàng Nhật, AI là một công nghệ quan trọng và đang dần thay đổi một cách căn bản đối với hoạt động của các cơ quan báo chí. Một trong sản phẩm tiêu biểu của AI là ChatGPT, ứng dụng này là công cụ rất thích hợp để trở thành trợ lý cho biên tập viên trong mỗi tòa soạn. Ứng dụng này phát huy rất tốt đối với những công việc như lên ý tưởng cho một chủ đề báo chí bất kỳ, tóm tắt cũng như tối ưu hóa bài viết... với khoảng thời gian được tiết kiệm nhờ ChatGPT, phóng viên hay biên tập viên có thể sử dụng nhằm nghiên cứu các tin, bài có chất lượng hơn.

Hay như mới đây, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã sử dụng AI như vai trò của một biên tập viên chính để sản xuất một phóng sự hình về mảng công nghệ. AI này có thể tự động đề xuất kịch bản cho phóng sự với 4 phần riêng biệt có độ dài khoảng 2.000 từ và cũng có đưa ra khuyến nghị về nhân vật cần được phỏng vấn để nội dung phong phú hơn. Theo đánh giá, trình độ viết kịch bản của AI tương đương với một biên tập viên đã có từ 1 - 2 năm kinh nghiệm. Đáng chú ý, để viết được kịch bản tương tự, một biên tập viên phải mất gần 1 tiếng thì với AI quãng thời gian đó chỉ khoảng 8 phút.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh, một thành viên trong ekip sản xuất phóng sự trên cho rằng, mặc dù AI chưa thể thay thế người thật ở thời điểm này nhưng đây chắc chắn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên. Với việc ứng dụng cởi mở những công nghệ mới, đặc biệt là AI sẽ giúp nhà báo có nhiều không gian sáng tạo hơn, phóng viên trẻ nâng cao trình độ nhanh hơn cũng như tòa soạn tiết kiệm được nhiều chi phí tác nghiệp hơn.

Xu hướng báo chí công nghệ mới

Trong Báo cáo dự báo về xu hướng báo chí, truyền thông và công nghệ 2023 của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters có một số điểm nhấn quan trọng về chiến lược phát triển báo chí số của các tòa soạn báo hàng đầu trên thế giới. Theo đó, các công nghệ như Metaverse hay Web3 được dự đoán sẽ là xu hướng nổi bật trong thời gian tới đối với hoạt động số hóa báo chí. Cần lưu ý, chính Viện Nghiên cứu này đã từng dự đoán rất chính xác về những gì AI sẽ tác động tới các cơ quan báo chí.

Công nghệ sẽ định hình lại báo chí

Với việc hàng loạt các ông lớn công nghệ như Meta, Microsoft, Samsung... đầu tư hàng trăm tỷ USD vào Metaverse, thế giới ảo này được dự đoán sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều ngành nghề và báo chí cũng là một trong số đó. Về cơ bản, Metaverse có các hoạt động tương tác giữa người với người, giải trí, kinh doanh, thể thao... trên môi trường ảo tương tự ngoài đời thật. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thông tin cũng sẽ là nhu cầu cần thiết. Thông qua môi trường ảo, các tòa soạn hoàn toàn có thể tìm kiếm thêm bạn đọc cũng như phát sinh nguồn thu mới thông qua hoạt động quảng cáo.

Trên thế giới cũng đã có khá nhiều tờ báo bắt đầu có những bước đi đầu tiên nhằm tìm kiếm cơ hội trong Metaverse. Có thể kể đến như Financial Times đã tiến hành phỏng vấn CEO Nick Clegg của Meta trên Metaverse và đánh giá đây là "môi trường tuyệt vời" để thực hiện những nội dung tương tự. Hay như tờ báo kinh tế hàng đầu Hàn Quốc - Maeil Business Newspaper cũng đã từng tổ chức một cuộc họp báo thông qua vũ trụ ảo và đạt được lượng người theo dõi rất khả quan. Hay như tạp chí TIME cũng đang có bản tin hằng ngày phát riêng cho môi trường Metaverse...