Theo định nghĩa ấy thì khác biệt cơ bản của chuyển đổi số báo chí (hiện nay) so với tin học hoá (trước đây) là:
Tích hợp dữ liệu và các công nghệ số vào tất cả các hoạt động của một cơ quan báo chí
Trước đây công nghệ số trong cơ quan báo chí chỉ có máy tính, thiết bị mạng và các phần mềm riêng lẻ cho các loại hình báo chí khác nhau thì ngày nay bùng nổ các thiết bị số, bao gồm camera thông minh, điện thoại di động, loa thông minh, các thiết bị đeo thông minh...
Dữ liệu độc giả được thu thập khi độc giả thực hiện tất cả các thao tác trên trang báo điện tử như độc giả đến từ đâu, đọc bài viết nào? Có đọc hết bài viết hay không? Đọc xong bài viết thì đọc tiếp bài nào? Xem danh sách bài viết ở chuyên mục nào? Tìm kiếm từ khoá nào...
Dữ liệu phục vụ cho hoạt động của tòa soạn do phóng viên, biên tập viên, cán bộ nhân viên tòa soạn và các hệ thống thu thập dữ liệu tự động cung cấp.
Tất cả các công nghệ số, dữ liệu này tích hợp trong một hệ thống duy nhất, liên thông, liên kết chặt chẽ với nhau để phục vụ cho quá trình tác nghiệp, vận hành một tòa soạn.
Làm thay đổi cơ bản cách vận hành của cơ quan báo chí
Nhằm cung cấp giá trị và lợi ích lớn hơn cho đối tượng mà tổ chức ấy phục vụ (bạn đọc, công ty truyền thông, khách hàng quảng cáo...).
Trước đây, với mỗi một công việc/nhóm công việc của một tòa soạn sẽ thực hiện trên các phần mềm khác nhau, độc lập, riêng rẽ. Ví dụ, Phòng Hành chính - trị sự dùng các phần mềm quản lý văn bản để lưu trữ, chuyển văn bản đi, văn bản đến; Phòng Báo điện tử tác nghiệp trên cms báo điện tử; Phòng Báo in tác nghiệp trên tòa soạn điện tử báo in; lãnh đạo tòa soạn muốn theo dõi hoạt động của toàn bộ tòa soạn thì phải đăng nhập vào các phần mềm khác nhau... thì ngày nay, toàn bộ cán bộ, nhân viên của tòa soạn chỉ phải đăng nhập vào nền tảng tòa soạn số duy nhất để xử lý các công việc của mình.
Lấy công nghệ làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, toàn bộ nghiệp vụ của một tòa soạn từ hành chính-trị sự cho đến tác nghiệp, điều hành, xuất bản nội dung đều được thực hiện trên một phần mềm duy nhất. Ban Biên tập sử dụng một super-desk để điều phối luồng thông tin 24/7, phân luồng tin tức lên các nền tảng khác nhau và chỉ đạo sự hợp tác giữa các đơn vị để tạo ra những sản phẩm thông tin không trùng lặp, nhanh chóng sản xuất được các tác phẩm báo chí chất lượng cao như emagazine, megastory, longform, podcast... phù hợp với từng nền tảng và có sự hỗ trợ lẫn nhau (độc giả đọc tin trên báo điện tử và sẽ tìm kiếm bài chuyên sâu trên báo in sáng hôm sau, hoặc đang đọc báo in có thể sử dụng điện thoại để quét mã, xem, nghe các nội dung đa phương tiện trên báo điện tử).
Đồng thời, nền tảng tòa soạn số cũng cho phép tòa soạn dễ dàng phát hành nội dung báo chí thông qua các phương tiện truyền thông mới như newsletter, mạng xã hội (Facebook, Tiktok...), các ứng dụng OTT (Zalo, Telegram, Viber...).
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc thu thập và xử lý thông tin giúp cho các tòa soạn nhanh chóng phát hiện các thông tin, chủ đề mới, nóng liên quan đến tôn chỉ, mục đích của mình, từ đó giúp cho Ban Biên tập dễ dàng chỉ đạo, khai thác thông tin.
Để nắm bắt được độc giả online thì cần phải “chui” vào đầu họ – hiểu nhu cầu, sở thích và nhịp sinh học của họ. - Nhà báo Lê Quốc Minh
Tăng cường thu thập thông tin trực tiếp từ bạn đọc để hiểu rõ về độc giả, từ đó đưa ra các chiến lược sản xuất, phân phối nội dung phù hợp với từng bạn đọc. Thông tin thu thập trực tiếp từ bạn đọc sẽ mở ra các cơ hội để cải thiện chất lượng nội dung, trải nghiệm người dùng, đồng thời tạo ra những phân khúc hấp dẫn các công ty quảng cáo.