Độc giả luôn kỳ vọng các nội dung tin tức có độ tin cậy cao, nhưng nhiều người vẫn bày tỏ nghi ngờ tính xác thực với những gì họ được đọc. Những vấn đề được nhắc đến gồm nguồn tin chưa kiểm chứng, quá vội vàng đăng tải thông tin, đưa tin bất cẩn và nhiều trang tin cố ý đánh lừa độc giả, điều này đều khiến niềm tin của độc giả với truyền thông bị xói mòn.

Không ít người sẵn sàng trả tiền để được đọc những nội dung đáng tin cậy, đúng thực tế và khách quan. Một trong những cách làm tăng niềm tin của độc giả là bảo đảm minh bạch trong quá trình tìm hiểu và trình bày thông tin, thông qua giải pháp ít ai nghĩ đến là công nghệ blockchain.

Blockchain tăng cường độ tin cậy như thế nào

Công nghệ blockchain không bắt đầu với tiền ảo. Nó được đề cập từ trước đó rất lâu trong tài liệu năm 1991 mang tên "Làm thế nào để đánh dấu thời gian trong văn bản kỹ thuật số" của nhà nghiên cứu Stuart Haber và W. Scott Stornetta. Họ dự đoán trước về những nghi vấn sẽ xuất hiện trong thế giới kỹ thuật số, xoay quanh vấn đề tác quyền và tính xác thực.

blockchain-JPG-3687-1626159375.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vz7yA45tEc3WUwFq7BHQiA

Công nghệ blockchain có thể giúp các hãng tin thu hút thêm độc giả. Ảnh: Coin Telegraph.

"Họ tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể biết chính xác những gì diễn ra trong quá khứ. Điều gì sẽ ngăn cản việc can thiệp vào các tư liệu lịch sử, và liệu có khả năng bảo vệ những thông tin như vậy cho thế hệ tương lai hay không", ký giả Amy Whitaker của Wall Street Journal nhận xét.

Giải pháp của Haber và Stornetta là đóng dấu thời gian (time stamp) vào dữ liệu.

Thay vì gửi thông tin và tài liệu đến các dịch vụ đóng dấu, nơi chúng có thể bị can thiệp, hai nhà nghiên cứu đề xuất đóng dấu thời gian cho dữ liệu bằng những hàm băm (hash). Các hàm hash có thể được gửi đến dịch vụ lưu trữ và gắn chặt với một phiên bản nhất định của tài liệu đó, đồng thời được lưu trữ trên sổ cái công khai và phi tập trung. Đây chính là nguyên lý hoạt động của blockchain, vốn khởi đầu bởi nhu cầu bảo vệ tính chính xác của các nội dung.

Phương án được Haber và Stornetta đề xuất cũng có thể được áp dụng hiện nay, đó là đóng dấu thời gian vào phát minh và ý tưởng để cho thấy ai là người nghĩ ra chúng, hoặc đóng dấu thời gian vào các tài liệu để chứng tỏ chúng có bị can thiệp hay không. Ứng dụng lớn nhất có thể được thực hiện trên mạng Internet, nơi phần lớn mọi người lấy thông tin hàng ngày.

Đóng dấu thời gian có thể là giải pháp để chứng thực tác quyền, cho thấy nội dung có bị điều chỉnh trái phép hay không, cũng như tăng tính minh bạch và tin cậy cho các bài viết trên báo chí.

Sau khi tạo nội dung, nguồn tin tức có thể đóng dấu nó với một hàm hash riêng và bổ sung vào blockchain công khai cho tất cả mọi người theo dõi. Hàm hash riêng này có thể bao gồm tít bài viết, ngày giờ và cả nội dung, sẽ đi kèm với phiên bản nhất định của bài viết. Sau khi hàm hash được đưa vào blockchain, sẽ không có cách nào để chỉnh sửa nó. Nếu có người muốn thay đổi nội dung bài viết, họ sẽ phải tạo ra hàm hash mới với dấu thời gian khác biệt.

Điều này sẽ ngăn các bên trung gian điều chỉnh nội dung bài viết trước khi nó đến với người đọc, đồng thời tăng niềm tin của độc giả vào tin tức. Khi phương pháp này trở nên phổ biến, họ sẽ càng tin tưởng những hãng thông tấn sử dụng dấu thời gian và xa rời những tổ chức không dùng chúng.

Công nghệ đóng dấu thời gian cho tương lai

Việc duy trì độc giả trung thành trong thời đại này là rất khó khăn. Ngày càng nhiều người chuyển đổi nguồn tiếp cận thông tin đến những nơi cung cấp dữ liệu chính xác, khách quan và thực tế. Họ cũng mong muốn có sự minh bạch trong quá trình tìm hiểu và biên tập thông tin.

Đóng dấu thời gian là một cách để giúp độc giả nắm rõ thời điểm nội dung được khởi tạo và bảo đảm họ đang được đọc phiên bản nguyên gốc của thông tin, chứ không phải một câu chuyện đã bị chỉnh sửa. Tăng cường lòng tin chính là cách mở rộng độc giả và thu hút những người sẵn sàng trả tiền cho nội dung được đọc.