Trong công cuộc chuyển đổi số, truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, thậm chí phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó, thậm chí là rất khó do lĩnh vực truyền thông luôn biến động không ngừng. Tuy nhiên trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, báo chí phải chủ động chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Trong môi trường thông tin cạnh tranh, nội dung hay chưa đủ, mà các cơ quan báo chí cần không ngừng đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Chuyển đổi số sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung cũng như phương thức tiếp cận với người dùng.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Chiến lược về chuyển đổi số Báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự thảo đề ra tầm nhìn Việt Nam sẽ có nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới.
Mục tiêu chung của Dự thảo chiến lược là báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả. Độc giả, người dân được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý... Về mục tiêu cụ thể, theo Dự thảo chiến lược, tới năm 2025, 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí... Cũng tới thời điểm trên, 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân.
Hiện nay trong số hơn 800 cơ quan báo chí tại Việt Nam có tới 90% được tính là các cơ quan báo chí vừa và nhỏ. Các báo có quá trình hình thành, phát triển với những đặc thù nhất định về cơ sở vật chất là tổ chức bộ máy nhân sự đan xen giữa cũ và mới, giữa tư duy làm báo cũ và cách thức làm báo theo công nghệ mới, giữa đội ngũ nhà báo kỳ cựu, có tuổi và những phóng viên trẻ... Làm thế nào để dung hòa giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới tại các cơ quan báo chí trước nhu cầu chuyển đổi số hiện nay là vấn đề mà nhiều cơ quan báo chí đang phải đối mặt. Để các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công thì vai trò của Nhà nước là rất quan trọng. Không chỉ nằm ở việc tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm các công nghệ mới mà còn hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số: nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam những năm gần đây. Các cơ quan báo chí dù lớn hay nhỏ đều có nhu cầu tự thân phải chuyển đổi để thích ứng với những thay đổi ngày càng nhanh chóng của công nghệ làm báo. Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề con người và tư duy. Các cơ quan báo chí đều hiểu rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí, còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Tuy nhiên sự chuyển đổi từ phương thức tác nghiệp cũ sang phương thức tác nghiệp mới đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đã khiến cho nhiều Tòa soạn nhanh chóng bắt kịp sự đổi mới của báo chí nhưng cũng khiến cho nhiều nhà báo bị tụt lại phía sau. Với đại bộ phận nhà báo vốn được đào tạo tác nghiệp với công cụ chủ yếu là máy quay, máy ghi âm, máy ảnh, quyển sổ và cây bút, việc phải thích nghi để trở thành một nhà báo công nghệ, tác nghiệp trên môi trường mạng với nhiều kỹ năng cùng một lúc là một cản trở lớn và không phải ai cũng có thể nhanh chóng thích nghi và vấn đề quyết định của chuyển đổi số báo chí vẫn phải là con người.